Lật Mặt 8: Giấc mơ của con, nỗi lo cha mẹ

Ngày : 08/05/2025
THANTUONG - Lý Hải kể chuyện cha con đầy xúc động trong Lật Mặt 8.

Trong nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, con cái thường gặp khó khăn khi muốn bày tỏ ý kiến hoặc theo đuổi quan điểm sống riêng. Sự ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, tư tưởng tập thể và cấu trúc gia đình mang tính thứ bậc đã khiến quan niệm về bổn phận của con cái thường gắn liền với việc tuyệt đối vâng lời và tôn kính cha mẹ. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành động phản biện hay ý kiến trái chiều nào từ con cái cũng dễ bị quy kết là hỗn láo, thậm chí bị xem là bất hiếu.

Phim LẬT MẶT 8: VÒNG TAY NẮNG của đạo diễn Lý Hải đã chạm đến vấn đề này bằng cách kể lại một câu chuyện gia đình gần gũi, nơi những mâu thuẫn thế hệ được phơi bày chân thực. Qua đó, bộ phim không chỉ phản ánh thực trạng trên trong nhiều gia đình Á Đông mà còn đem tới một cái kết nhẹ nhàng, nhắc nhở người xem về sự thấu hiểu và cảm thông giữa các thế hệ, đặc biệt là giữa con cái và bậc sinh thành.

Mô tả hình

 

“Có lẽ điều khó khăn nhất khi làm cha mẹ, là đến một ngày phải chấp nhận mình không còn hiểu con như trước nữa”

Bộ phim xoay quanh nhân vật Tâm (Đoàn Thế Vinh) – một cậu học sinh 17 tuổi say mê âm nhạc và nuôi ước mơ được tỏa sáng trên sân khấu. Là một người con ngoan, học giỏi và không quậy phá, Tâm tưởng chừng là niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng, khi lặng lẽ đăng ký tham gia một cuộc thi ca nhạc, cậu vô tình khơi mào ngòi nổ cho những mâu thuẫn trong gia đình. 

Mô tả hình

Tâm - cậu học sinh 17 tuổi say mê âm nhạc và nuôi ước mơ được tỏa sáng trên sân khấu

Ông Phước (Long Đẹp Trai) – người cha nghèo khó, quanh năm làm lụng vất vả, luôn kỳ vọng con trai sẽ học ngành Cơ khí để đổi đời. Với ông, âm nhạc chỉ là một giấc mơ phù phiếm và chẳng thể mang lại tương lai.

Mô tả hình

Ông Phước - người cha nghèo khó, quanh năm làm lụng vất vả

Giữa những áp lực và kỳ vọng nặng nề đó, Tâm giằng xé giữa hai lựa chọn: vừa cố gắng làm tròn bổn phận với gia đình, vừa khao khát sống đúng với đam mê. Mỗi lần được sáng tác, biểu diễn dù chỉ là tập luyện, Tâm bừng sức sống. Ngược lại, khoảnh khắc Tâm gục ngã vì không thể đứng trên sân khấu lại cho thấy toàn bộ nỗi thất vọng và buồn bã dồn nén trong ánh mắt. Diễn xuất tinh tế của Đoàn Thế Vinh đã truyền tải trọn vẹn những day dứt nội tâm ấy – đại diện cho một thế hệ trẻ khao khát sống trọn vẹn, không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì những giấc mơ họ tin là xứng đáng để theo đuổi.

Ngược lại, ông Phước lại là hình mẫu của những người cha mang ám ảnh nghèo đói, coi việc học đại học với ngành nghề “an toàn” như cơ khí là con đường duy nhất. Là người gắn bó cả đời với lao động chân tay, ông không thể thấu hiểu niềm đam mê âm nhạc của con. Ông tin rằng lựa chọn của Tâm là quyết định nông nổi của tuổi trẻ, và cánh cửa vào đại học đóng lại cũng đồng nghĩa với việc con ông sẽ mất cả tương lai. Không muốn con vất vả như mình, ông chọn cách bảo vệ con duy nhất mà mình biết: ngăn cản và cấm đoán. Tình yêu của ông Phước dành cho con là có thật, nhưng được trao đi trong sự cứng nhắc và thiếu sự cảm thông. 

Đỉnh điểm mâu thuẫn cha con là cuộc cãi vã nảy lửa, khiến Tâm nghẹn ngào: “Nếu ba biết con đường nào đi đến thành công, tại sao nhà mình vẫn nghèo như vậy”.

Quan điểm thành công của các thế hệ

Điều đáng trân trọng trong LẬT MẶT 8: VÒNG TAY NẮNG là phim không phán xét hay chỉ trích bất kỳ ai. Thay vì quy kết đúng sai, tác phẩm chọn cách đặt khán giả vào vị trí của từng nhân vật với góc nhìn đầy thấu cảm. Tâm, ông Phước, mẹ Tâm hay bà ngoại – mỗi người đều mang trong mình những nỗi sợ riêng, xuất phát từ bối cảnh sống và hệ giá trị được hình thành qua năm tháng.

Nhân vật chính trong phim là hình ảnh điển hình cho thế hệ Gen Z – những người lớn lên giữa những chuyển biến sâu sắc của thời đại. Ở nơi đó, sự bất ổn của đại dịch, chiến tranh, tự động hóa, AI, thất nghiệp ngày càng lan rộng… Ở nơi đó, những giá trị xưa cũ như ngành nghề ổn định, "một nghề cho chín" đang dần trở thành một lựa chọn thay vì con đường duy nhất. Trước những biến chuyển khó lường của thời cuộc và xu hướng đề cao hạnh phúc cá nhân, thế hệ trẻ ngày nay dần không còn đặt niềm tin vào khái niệm “ổn định dài hạn”. Thay vào đó, họ chủ động tái định nghĩa thành công: đó là lương có thể không cao, nhưng được làm điều mình giỏi, mình thích, và sống được với đam mê, đó là sự nghiệp không đánh đổi sức khỏe, là cuộc sống không bị tước mất tự do.

Mô tả hình

 

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những lo lắng của các bậc cha mẹ như ông Phước là vô lý. Ngược lại, tác phẩm đã khéo léo cho thấy góc nhìn rất thật của thế hệ đi trước, đặc biệt qua phân đoạn trò chuyện giữa ông Phước và ông bà chủ của mình. Bởi đó là lúc ông Phước nhận ra một sự thật cay đắng: con cái của những gia đình giàu luôn có sẵn một "tấm lưới an toàn" để đỡ lấy mọi cú ngã. Nếu không phù hợp với một ngành, họ có thể dễ dàng đổi hướng, làm lại. Còn những người như con ông, mỗi quyết định đều là canh bạc lớn và việc theo đuổi đam mê âm nhạc là con đường đầy rủi ro, khi cơ hội sửa sai gần như không có.

Song điều trớ trêu là ông Phước cũng không nhận ra rằng chính những ngành nghề mà ông xem là "an toàn" đang dần bước vào giai đoạn chuyển mình. Tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo đang thay thế lao động truyền thống một cách nhanh chóng. Ngay cả những ngành từng được xem là bền vững như giáo dục hay y tế cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn, khiến nhiều người kiệt sức, trong khi thu nhập không còn tương xứng. Thực tế ấy đặt ra một yêu cầu rõ ràng với các bậc phụ huynh: cần nhìn nhận lại khái niệm “ổn định”. Bởi sự ổn định hôm nay đã không còn giống với ổn định của 20 năm trước!

Giấc mơ của con, liệu cha có dám tin?

Khéo léo nhất trong Lật Mặt 8 chính là cách phim hóa giải mối xung khắc tưởng chừng không thể cứu vãn giữa Tâm và ông Phước. Họ cùng lùi lại một bước, nhìn nhận sự việc từ góc nhìn người kia. Tâm hiểu rằng để được cha công nhận, cậu phải chứng minh bằng thành quả thực tế. Và học bổng mà Tâm cùng nhóm bạn giành được chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nghiêm túc và tiềm năng thực sự của con đường cậu đang đi. 

Mô tả hình

Tâm cùng những người bạn nghiêm túc hiện thực hóa ước mơ âm nhạc

Trải nghiệm đau đớn khi cha con bất hòa đã thay đổi sâu sắc cách ông Phước nhìn nhận Tâm. Chứng kiến tài năng của con, sự ủng hộ của bạn bè và gia đình, cũng như cơ hội dài hạn của con đường giải trí đã giúp ông thoát khỏi vòng lặp niềm tin cũ. Ông Phước nhận ra nếu tiếp tục cấm cản, ông không chỉ làm con mất đi giấc mơ, mà có thể mất luôn mối quan hệ với Tâm. Điều ông sợ nhất không phải là Tâm thất bại, mà là việc trở thành người cha mà con trai phải giấu giếm, dối trá, bỏ nhà ra đi, để rồi sống vật vờ trong một cuộc đời không có đam mê.

Câu chuyện trong LẬT MẶT 8: VÒNG TAY NẮNG như một lá thư ngỏ gửi đến các gia đình Việt Nam đương đại: mỗi thời đại có một nỗi lo riêng, và điều chúng ta cần nhất không phải là ai đúng, ai sai, mà là sự lắng nghe chân thành. Phim không dựng nên một cuộc đối đầu giữa cũ và mới, mà mở ra một không gian đối thoại, nơi tình yêu thương có thể tồn tại trong khác biệt, và sự thấu hiểu được xây dựng từng chút một, qua sự nhường nhịn và tôn trọng. “Khi lòng đã không còn muốn giãi bày, mới là lúc rạn nứt mãi chẳng thể hàn gắn”. Ông Phước chịu học lại cách yêu thương bằng ngôn ngữ của con cái, vậy còn những cha mẹ ngoài kia, họ đã sẵn sàng chưa?

Lật Mặt 8: Vòng Tay Nắng hiện đang chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

:
Xem thêm
Về đầu trang