Thời trang Việt: Chấp niệm cũ hay hội nhập mới?
Ngành thời trang Việt trước ngã rẽ hội nhập và bản sắc
Thời trang cao cấp thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ. Vì mục tiêu mở rộng thị phần và tăng trưởng doanh thu, nhiều thương hiệu lớn đã từ bỏ sự khắt khe vốn có để mở cửa đón nhận các celeb đại chúng – ca sĩ, diễn viên – làm đại sứ, gương mặt thương hiệu hay “friend of brand”.
Lý do rất rõ ràng: Celeb có độ phủ sóng mạnh, khả năng viral nhanh chóng và ảnh hưởng rộng rãi đến thị trường sở tại. Ngược lại, các siêu mẫu giờ đây chủ yếu giữ vai trò chuyên môn trong các chiến dịch hoặc sàn diễn thời trang. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt có sức ảnh hưởng toàn cầu, phần lớn người mẫu không còn là lựa chọn số một cho vị trí gương mặt đại diện thương hiệu.
Giới hạn của người nổi tiếng và ranh giới đạo đức
Ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, việc lựa chọn đại sứ thương hiệu đi kèm với những tiêu chí khắt khe về đạo đức, hình ảnh và lý lịch. Một scandal liên quan đến chất cấm, đạo đức hay hôn nhân có thể khiến một celeb bị “phong sát” – đồng nghĩa với việc bị loại khỏi mọi chiến dịch thương mại. Điều đáng nói là không có chỗ cho sự “tẩy trắng” hay che đậy bằng truyền thông phi chính thống. Mọi bê bối đều được nhìn nhận rõ ràng như một hành vi cố ý, không thể chối bỏ.
Người mẫu – chuyên nghiệp và rạch ròi
Ngược lại, giới người mẫu giữ một khoảng cách chuyên nghiệp hơn. Họ làm việc cho thương hiệu – không phải thương hiệu làm việc cho họ. Không có chuyện mặc cả vị trí mở màn, đóng màn, hay “có tôi thì không có người kia”. Trật tự trong ngành rất rõ ràng: công việc là công việc, quan hệ là quan hệ, không nhập nhằng.
Dưới thời các nhà thiết kế huyền thoại như Gianni Versace, Karl Lagerfeld, Tom Ford, Valentino, Alexander McQueen hay Giorgio Armani – chưa từng tồn tại chuyện người mẫu đưa ra yêu sách hay can thiệp vào khâu tổ chức show diễn. Tất cả đều được vận hành theo quy chuẩn chuyên nghiệp, đúng bản sắc của thời trang cao cấp.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Câu hỏi đặt ra: Thời trang Việt đang ở đâu trong dòng chảy này?
Liệu chúng ta đang đi ngược lại xu hướng toàn cầu vì “gu riêng”? Hay đang chấp niệm với mô hình tổ chức cũ, phi chuyên nghiệp, thiếu tính phân tầng rõ ràng giữa người mẫu, celeb và nhà thiết kế?
Có một thực trạng dễ nhận thấy:
- NTK đang ưu tiên thiết kế cho các cuộc thi hoa hậu hơn là thời trang ứng dụng.
- Catwalk ngày càng giống sân chơi sắc đẹp hơn là nơi trình diễn kỹ thuật và cá tính người mẫu.
- Celeb làm friend of brand nhưng thiếu chiều sâu về hình ảnh và giá trị thương hiệu.
- Nhiều người mẫu bị che khuất bởi làn sóng "người đẹp đi diễn" – thiếu sự đầu tư bài bản về kỹ năng và phong cách trình diễn.
Chấp nhận để hội nhập
Sự thay đổi là cần thiết. Ngành thời trang Việt cần một cú chuyển mình nghiêm túc, từ tư duy tổ chức đến cách xây dựng hình ảnh người mẫu và celeb. Không phải để đánh mất bản sắc, mà là để bước ra thế giới bằng một tâm thế chuyên nghiệp, hội nhập mà không hòa tan.
P/S: Nếu một ngày sàn catwalk chỉ còn những bước đi kiểu hoa hậu, thì thời trang Việt sẽ trình diễn điều gì – kỹ thuật hay… sắc đẹp?